3 bước dọn dẹp nhà cửa tối giản theo phương pháp Danshari Nhật Bản

Phương pháp dọn dẹp nhà cửa theo phong cách tối giản Danshari

“Sở hữu quá nhiều đồ vật sẽ khóa chặt con đường dẫn đến hạnh phúc mà bạn tìm kiếm bấy lâu. Lối sống đó đã tới lúc phải thay đổi để triệt để rồi” chính là nội dung cốt lõi trong cuốn sách “TỐI GIẢN Sở hữu ít đi hạnh phúc nhiều hơn” của tác giả Hideko Yamashita. Cuốn sách này sẽ giúp bạn tiếp cận với kỹ thuật dọn dẹp Danshari rất được yêu thích tại Nhật Bản.

Danshari là gì?

Danshari là kỹ thuật dọn dẹp giúp chúng ta có thể nhận thức được bản thân, sắp xếp lại các suy nghĩ hỗn loạn trong đầu và giúp cuộc sống dễ chịu hơn. Danshari dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa đồ vật và con người. Nó không xem xét trên phương diện đồ vật còn dùng được hay không mà là bạn có muốn sử dụng hay không. Hơn nữa, trục thời gian của việc sử dụng luôn ở hiện tại. Vứt bỏ thứ hiện đã không cần đến, chỉ chọn thứ cần thiết.

Dan (Đoạn) = đoạn tuyệt đồ dùng không cần thiết trong nhà

– Cân nhắc khi mua sắm. Vật dụng mua phải được sử dụng thường xuyên và tận dụng được hết chức năng.

– Không mua những vật dụng không cần thiết

– Chỉ mua những vật dụng cần thiết

– Đừng quá chú tâm đến vật dụng không thường dùng.

Sha (Xả) = vứt bỏ đồ dùng gây lộn xộn trong nhà

– Dọn dẹp những đồ vật lộn xộn

– Bán/Tặng vật dụng không cần thiết cho người khác

– Thu hẹp phạm vi đồ vật yêu thích

Ri ( Ly) = khẳng định cái tôi, thoát khỏi mối ràng buộc với đồ vật, tự do trong không gian được dọn dẹp

Sau nhiều lần “Dan” và “Sha”, trạng thái chúng ta thu được sẽ là:

– Thoát khỏi những ràng buộc

– Dần hiểu và yêu bản thân hơn

– Tâm trạng thoải mái

Cách thức dọn dẹp theo phương pháp Danshari

Việc chúng ta cần làm chỉ đơn giản là bỏ đi. Cho vào túi rác, vứt ra xó nhà không phải dọn dẹp. Điều cốt lõi chúng ta cần làm là đưa ra khỏi nhà. Phải thực hiện triệt để thao tác xả. Hãy dành không gian sống hiện tại cho những vật dụng cần thiết, phù hợp với bản thân.

Chính trong quá trình lựa chọn những vật dụng phù hợp với mình, việc dọn dẹp không còn cần thiết nữa.

Đặt câu hỏi: “Vật dụng này có quan hệ gì với mình?”, từ đó loại bỏ dần vật dụng không cần thiết.

Bạn muốn đánh giá vật dụng có phù hợp và cần thiết ở thời điểm hiện tại hay không, bạn phải nhận thức rõ ràng về bản thân. Rèn luyện thao tác đánh giá này thường xuyên, bạn sẽ xây dựng được cái tôi như ngày hôm nay, nghĩa là bạn hoàn toàn nhận diện được mình là người như thế nào.

Đồ vật phải được sử dụng mới có giá trị

Những mối quan hệ với vật dụng:

Vật dụng phải được sử dụng.

Vật dụng hiện tại và bây giờ phải được đặt ở nơi cần đến nó.

Vật dụng được đặt đúng chỗ sẽ thể hiện vẻ đẹp của nó.

3 kiểu người không thể vứt bỏ đồ đạc

Kiểu người trốn tránh hiện thực:

Bận rộn, ít có thời gian ở nhà, không hợp với việc dọn dẹp. Không hợp với những người ở nhà. Không muốn về nhà vì quá bừa bộn. Họ không nhận ra họ vắng nhà không phải vì bận rộn mà vì không muốn ở nhà nền cố tạo hoạt động cho mình.

Kiểu người hoài niệm quá khứ:

Vật kỷ niệm tạo cho bạn ấn tượng đang sống trong quá khứ chứ không phải hiện tại. Một người phải mất rất nhiều thời gian để thoát khỏi những ràng buộc quấn chặt lấy mình.

Kiểu người lo lắng cho tương lai:

Kiểu người lo lắng cho tương lai luôn sợ 1 ngày nào đó đồ dùng trong nhà sẽ hết, không còn gì để sử dụng, dẫn đến việc mua tích trữ để giải tỏa bất an.

3 dạng vật dụng chất đống trong nhà:

Đồ vật không sử dụng:

Là những thứ được giữ lại không biết để làm gì, những thứ bị bỏ xó hoặc lần lữa mãi không chịu vứt bỏ. Đây là những thứ mang đầy năng lượng trói buộc.

Đồ vật được sử dụng tần suất thấp:

Là những thứ từng được dùng nhưng không thích lắm nên tùy tiện để đấy hoặc những đồ vật bị chủ nhân sử dụng cẩu thả, bất cẩn. Đây là đống bùn hỗn loạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình tượng của bạn. Có thể bạn quá quen nên không cảm nhận được sự bừa bộn nhưng trong thâm tâm vẫn không tránh khỏi ngượng ngùng.

Đồ vật lưu dấu kỷ niệm:

Là những thứ chất chứa nhiều tình cảm, hồi ức quá khứ nên khó vứt bỏ. Đây là những đồ vật tỏa ra sức mạnh trói buộc bạn, tiềm ẩn 1 năng lượng tiêu cực. Những đồ vật này cần xử lý bằng cách đốt hoặc áp dụng phương pháp đặc biệt để xử lý.

Thay đổi tư duy theo phương pháp Danshari

Danshari là phương pháp rất đơn giản. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là vứt bỏ không thương tiếc những thứ không cần thiết. Việc vứt bỏ phải được thực hiện trên trục thời gian hiện tại. Danshari không chủ trương vứt đi mọi thứ mà mục tiêu cuối cùng là đúng lúc, đúng chỗ, vừa đủ. Nếu bạn chuyển cho người biết sử dụng cẩn thận hoặc cửa hàng tái sử dụng, đồ vật sẽ tiếp tục phát huy khả năng của mình.

– Bản thân bạn là vai chính. Việc đồ vật có còn sử dụng được hay không chẳng hề liên quan đến bạn.

– So sánh mối quan hệ với vật dụng như mối quan hệ với con người: Chúng ta vẫn thường lơ đãng chấp nhận việc một mối quan hệ thân thiết dần trở nên xa lạ. Nhưng đáng tiếc đồ vật không phải con người, chúng không thể tự động rời xa bạn. Việc đánh giá, xử lý đồ vật đều do chính bản thân bạn quyết định. Trong quá trình này bạn phải lựa chọn nghiêm ngặt đồ vật mình yêu thích vì đâu ai có thể có mối quan hệ sâu sắc với nhiều người.

– Lãng phí không phải vứt bỏ đồ đạc mà chính là quyến luyến giữ khư khư vật đó bên mình nhưng chẳng dùng đến.

– Khi vứt bỏ hãy nói “Xin lỗi nhé” và “Cảm ơn nhiều”. Chuyện trò với đồ vật sẽ giúp bạn bình tâm và nhẹ nhõm hơn.

Hiểu đúng khái niệm “LÀM VỆ SINH”

Bước 1: Rút gọn vật dụng (ĐOẠN – XẢ)

Bước 2: Sắp xếp ngăn nắp

Di chuyển đồ vật

Cất giữ, phân loại

Bước 3: Quét dọn

Lau chùi

Đánh bóng

Phương pháp tăng động lực dọn dẹp

Hôm nay, bạn có thể dành bao nhiêu ngày cho Danshari? Nửa ngày, 1 tiếng hay 15 phút? Xuất phát từ hạn mức thời gian, bạn lựa chọn địa điểm thực hiện Danshari, đó là quy trình hiệu quả và dễ thực hiện nhất. Điểm mấu chốt là bạn phải hoàn thành xong địa điểm đã chọn trong thời gian quy định.

Bạn có thể căn cứ vào mục đích để lựa chọn địa điểm dọn dẹp:

1. Coi trọng sức khỏe và an toàn?

Hãy bắt đầu từ những khu vực cơ bản của cuộc sống như nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh, buồng tắm, bồn rửa mặt.

2. Tác động sâu sắc đến nội tâm?

Đó là những nơi không nhìn thấy, không muốn bị nhìn thấy như tủ đựng đồ, hòm đựng đồ ít khi mở ra và những nơi bạn hay để ý tới.

3. Coi trọng khí vận?

Muốn gia đình gặp may mắn hãy bắt đầu từ cửa ra vào. Muốn bản thân may mắn hãy bắt đầu từ phòng ngủ.

Quy tắc phân loại 3 nhóm

Đây là vấn đề thu dọn và cất giữ, bạn sẽ thực hiện 2 công đoạn này bằng quy tắc phân 3 nhóm. Hãy liên tục phân loại thành 3 nhóm ĐẠI – TRUNG – TIỂU để đồ vật tự đi vào ngăn nắp. Ngay từ đầu bạn chia thành 3 nhóm lớn, sau đó mỗi nhóm lớn lại chia thành 3 nhóm nhỏ, dần dần mọi thứ sẽ suôn sẻ.

Quy tắc hạn chế tổng lượng 7-5-1 tạo không gian thoáng đãng

7: Đối với các tủ kín, các đồ vật không thể nhìn thấy bên trong. Chỉ cất giữ 70% diện tích tủ chứa, 30% là chỗ trống để di chuyển.

5: Đối với các phương tiện cất giữ có thể nhìn thấy như giá sách, chạn chén. Chỉ cất giữ 50% diện tích, chỉ giữ lại những thứ cần thiết.

1: Đối với các đồ vật trang trí chỉ chiếm 10%.

Đây chính là phương pháp dọn dẹp đồ đạc lộn xộn trong nhà , xử lý những rắc rối trong lòng khiến cuộc đời vui vẻ hơn. Hãy tìm đọc “TỐI GIẢN Sở hữu ít đi hạnh phúc nhiều hơn” của tác giả Hideko Yamashita để hiểu được trọn vẹn phương pháp dọn dẹp kỳ diệu này nhé. Đảm bảo nó sẽ giúp bạn có được môi trường sống trong lành với tâm trí tỉnh thức.

Aki Lee

Related posts

Leave a Comment